29/04/2021 6:42  
Vụ tàu ngầm Indonesia bị chìm cho thấy năng lực cứu nạn hạn chế đối với hạm đội tàu ngầm ngày càng tăng trong các vùng biển châu Á.

Tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia mất tích trên vùng biển ngoài khơi đảo Bali vào sáng sớm 21/4. Hải quân nước này ngay lập tức triển khai lực lượng tìm kiếm, nhưng gặp nhiều khó khăn do không có các thiết bị chuyên dụng để cứu hộ cứu nạn tàu ngầm.

Hải quân Indonesia cũng đã phát thông điệp nhờ hỗ trợ tới các đối tác, nhưng tới ngày 25/4, tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore mới phát hiện được tung tích KRI Nanggala. Chiếc tàu ngầm lúc đó đã vỡ làm ba dưới đáy biển sâu 840 m, toàn bộ 53 người trên tàu được xác định đã thiệt mạng.

Giới chuyên gia đánh giá thảm kịch này phát đi hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh các nước này liên tục tăng cường năng lực quân sự và áp dụng học thuyết chống xâm nhập khu vực, thúc đẩy các hợp đồng mua sắm và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm.

"Xu hướng tập trung vào tác chiến dưới lòng biển phải đi kèm với nỗ lực đa quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác, cải thiện quy trình bảo đảm an toàn tàu ngầm, cũng như công cụ và kỹ thuật tìm kiếm cứu nạn", Nick Danby, một sĩ quan tình báo của hải quân Mỹ chuyên về tác chiến viễn chinh, nhận định.

Các phương pháp cứu hộ tàu ngầm đã được phát triển từ khi loại chiến hạm này được biên chế trong lực lượng hải quân các nước lớn. Cuộc giải cứu tàu ngầm đầu tiên trên thế giới diễn ra hồi tháng 1/1917, khi tàu ngầm HMS K13 bị chìm trong lúc chạy thử. Một ống dẫn khí được nối vào tàu để đẩy nước ra khỏi các bể dằn, giúp mũi tàu nổi lên trên mặt nước. Lực lượng cứu hộ sau đó cắt vỏ mũi để giải cứu toàn bộ 48 thành viên thủy thủ đoàn.

Dù vậy, vẫn có hàng loạt thảm kịch xảy ra. Ngày 10/4/1963, tàu ngầm USS Thresher của Mỹ chìm khi đang lặn thử nghiệm, khiến toàn bộ 129 người trên tàu thiệt mạng. Sự việc khiến hải quân Mỹ gấp rút phát triển Dự án Các hệ thống Lặn sâu, cho ra đời hai phương tiện lặn sâu cứu hộ (DSRV) là tàu Mystic và Avalon.

Bất chấp những tiến bộ trong lĩnh vực cứu hộ, tai nạn vẫn đeo bám lực lượng tàu ngầm nhiều nước. Năm 2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga chìm khi diễn tập ở biển Barents, khiến 118 người thiệt mạng. Ba năm sau, 70 người trên tàu ngầm Type-035G Trung Quốc chết ngạt do sự cố không được công bố.

Đến năm 2017, tàu ngầm ARA San Juan của Argentina gặp nạn khi đang di chuyển trên Đại Tây Dương. Toàn bộ 44 người trên tàu đều thiệt mạng, xác tàu chỉ được tìm thấy sau hơn một năm ở độ sâu hơn 900 m.

"Nguyên nhân gây thảm họa rất nhiều, nhưng gần như không có cách nào để ngăn những sự cố tương tự trong tương lai. Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều hợp đồng mua sắm và hoạt động triển khai tàu ngầm trong hàng chục năm tới, kèm với đó là nguy cơ tai nạn và chìm tàu", Danby nói.

Số lượng tàu ngầm trong các vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tăng 31% trong giai đoạn 2000-2021. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí còn nhanh hơn, trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành trung tâm trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương bằng cách áp dụng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), sử dụng khí tài tầm xa có thể đe dọa và gây tổn hại lớn cho lực lượng Mỹ khi xung đột nổ ra.

Để đáp trả, Mỹ và các đồng minh ngày càng triển khai nhiều tàu ngầm trong khu vực. Chúng có thể bí mật tiến vào những vùng biển do đối phương kiểm soát để tung đòn tấn công, mang tới lợi ích chiến lược thông qua khả năng ẩn mình và công kích bất ngờ bằng hỏa lực vượt trội.

"Các nước châu Á - Thái Bình Dương mua càng nhiều tàu ngầm thì tỷ lệ thành công trong tìm kiếm cứu nạn sẽ càng phụ thuộc vào nỗ lực hợp tác đa phương", Danby nhận định.

Trong nỗ lực cứu hộ tàu ngầm KRI Nanggala, ngoài tàu MV Swift Rescue của Singapore, nhiều nước cũng triển khai lực lượng hỗ trợ. Malaysia và Ấn Độ cử tàu cứu hộ tàu ngầm đến hiện trường, Australia điều hai tàu hộ vệ trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar), trong khi Mỹ cử máy bay tuần thám P-8A Poseidon và ba vận tải cơ C-17 mang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không đủ để kịp thời cứu 53 thủy thủ trên tàu ngầm KRI Nanggala. Danby đề xuất 4 phương án cải thiện năng lực cứu hộ tàu ngầm tại châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.

Đầu tiên là mở cơ quan đại diện thường trực cho Văn phòng Liên lạc Cứu hộ Tàu ngầm Quốc tế (ISMERLO) tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. NATO thành lập ISMERLO sau thảm họa tàu ngầm Kursk năm 2000 nhằm điều phối các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ quốc tế. Tổ chức này gồm nhiều nhóm chuyên gia cứu nạn tàu ngầm, giúp xây dựng quy trình cứu hộ quốc tế, cũng như tham vấn cho các nước về huấn luyện và mua sắm trang bị.

ISMERLO cũng có hệ thống báo động tức thời, cho phép huy động toàn bộ nguồn lực trong thời gian ngắn để tìm kiếm và cứu tàu ngầm mất tích. Mở văn phòng ISMERLO và điều chuyển chuyên gia đến châu Á có thể bảo đảm những chương trình đào tạo thường xuyên và chi tiết hơn, cải thiện năng lực phối hợp giữa các nước nhằm hạn chế tai nạn hoặc thiếu đồng bộ trong nỗ lực cứu nạn.

Tiếp đó là thành lập một hệ thống cứu hộ tàu ngầm (SRS) ASEAN. Hồi năm 2008, Anh, Pháp và Na Uy đã thành lập SRS NATO với mục tiêu giải cứu thủy thủ đoàn trong vòng 72 giờ từ khi có tin báo, thông qua các phương tiện lặn và hệ thống cứu hộ di động. "ASEAN nên phối hợp với ba nước này và Mỹ để chia sẻ khí tài, công nghệ và thành lập lực lượng SRS riêng, bảo đảm thời gian phản ứng nhanh nhất có thể", Danby cho hay.

Mỹ cũng có thể tổ chức diễn tập cứu hộ tàu ngầm với các đối tác, đồng thời chia sẻ hệ thống SRDRS được phát triển để thay thế Mystic và Avalon.

Danby cho rằng thảm họa tàu ngầm KRI Nanggala đã cho thấy công nghệ hiện đại không thể bảo đảm ngăn chặn toàn bộ sự cố. Điều đó đòi hỏi các nước phải cùng chung tay để bảo đảm tính mạng cho các thủy thủ tàu ngầm trong tương lai.

"Khi ra biển, dù mặc quân phục hay treo quốc kỳ nước nào đi nữa, chúng ta đều hiểu sự sợ hãi khi ở trong một tàu ngầm đang chìm xuống đáy biển. Trách nhiệm của tất cả những người đi biển là hỗ trợ họ. Không quốc gia hay lực lượng hải quân nào có thể làm điều đó một mình", cựu phó đô đốc Anh Clive Johnstone nói hồi năm 2017.

Vũ Anh (Theo Diplomat)

Nguồn tin: vnexpress.net


Swift   Trung Quốc   Xu hướng   chiến lược   chuyên gia   hành vi   hợp tác   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...