30/10/2021 13:10  
Chỉ một mẫu xe thương hiệu Nhật Bản đạt được đánh giá "Tốt", còn lại 19 mẫu xe CUV/SUV cỡ nhỏ khác đã "trượt" bài thử nghiệm mới về độ an toàn khi va chạm ngang của IIHS.

Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ (IIHS) đã áp dụng bài thử nghiệm va chạm ngang hông khó hơn, nhằm cải thiện độ an toàn và tránh những thương tích cho người sử dụng ô tô gặp va chạm ở tốc độ cao. Kết quả là chỉ có một trong 20 chiếc SUV/CUV cỡ vừa, cỡ trung đạt xếp hạng "Good" (Tốt), còn lại đều khá thất vọng.

Theo IIHS, điều này lại không quá bất ngờ.

"Rõ ràng, những kết quả này không hề tốt một chút nào, nhưng điều đó không nằm ngoài suy nghĩ của chúng tôi khi áp dụng tiêu chuẩn thử nghiệm nghiêm ngặt hơn", Becky Mueller, kỹ sư nghiên cứu cấp cao của IIHS, chia sẻ. Việc áp dụng tiêu chí "khắc nghiệt" hơn, đồng nghĩa với việc các hãng xe sẽ phải nghiên cứu nhằm giúp sản phẩm của mình thêm an toàn.

Trong số các xe được thử nghiệm, chỉ có Mazda CX-5 được đánh giá ở mức "Good" (Tốt). Số xe đạt mức "Acceptable" (Chấp nhận được) là 9 mẫu, bao gồm: Audi Q3, Buick Encore, Chevrolet Trax, Honda CR-V, Nissan Rogue, Subaru Forester, Toyota RAV4, Toyota Venza và Volvo XC40.

Các mẫu xe còn lại, như Chevrolet Equinox, Ford Escape, GMC Terrain, Hyundai Tucson, Jeep Compass, Jeep Renegade, Kia Sportage và Lincoln Corsair - bị xếp hạng "Marginal" (Kém), thậm chí Honda HR-V và Mitsubishi Eclipse Cross nhận mức đánh giá "Poor" (Tệ).

Tất cả mẫu SUV/CUV được thử nghiệm đều thuộc model 2021 (trừ Outlander là mẫu 2020). IIHS cho biết, các xếp hạng trên cũng sẽ là kết quả của bản 2022; chẳng hạn như Mazda CX-5 bản facelift sẽ nhận được đánh giá "Tốt", ngoại trừ Jeep Compass và Hyundai Tucson.

Độ khó của bài thử nghiệm va chạm bên hông được đẩy lên mức cao hơn, khi phương tiện va chạm có trọng lượng 1.896 kg (tương đương một chiếc SUV cỡ vừa, cỡ trung), tăng thêm 400 kg so với tiêu chuẩn từ năm 2003; đồng thời tốc độ di chuyển 60 km/h thay vì 50 km/h như trước.

Gia An
Theo Motor1

Nguồn tin: dantri.com.vn


Honda   Honda CR-V   Hyundai   MC   Mazda   Nhật Bản   Toyota  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...