24/11/2021 17:15  
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.

Gói kích cầu này nhằm kích thích kinh tế mới, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng sau giãn cách tiếp tục tạo lực cho tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp (DN) quý VI và triển vọng năm 2022. Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, trước đây chúng ta có rất nhiều gói kích cầu đã có tác động rất nhanh vào nền kinh tế như gói 29.000 tỷ đồng vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà xã hội năm 2013. Mặc dù hai gói này có những tác động nhất định giúp kích thích nền kinh tế và thị trường bất động sản giai đoạn đó, nhưng góc độ khác nó cũng  tạo ra những hệ lụy tiêu cực khá lớn, làm "méo mó” thị trường tài chính tín dụng, tạo ra đầu cơ tài chính và lạm phát cao, sau đó Chính phủ và NHNN phải thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục... Còn xét về hỗ trợ kinh tế khó khăn từ đại dịch Covid-19 thì có gói 60.000 tỷ đồng, nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Hiện nay, với dự kiến ra gói 800.000 tỷ đồng, nhiều  hơn 16 lần so với gói kích thích kinh tế năm 2009 thì cần cân nhắc thêm. Xét về mức độ khó khăn và cơ hội, rõ ràng giai đoạn 2021 có nhiều cơ hội hơn so với 2009. Không như năm 2009 suy thoái toàn cầu, hiện nay xuất khẩu của chúng ta rất tốt và ngày càng tốt hơn dựa trên kinh tế thế giới đang phục hồi và lợi thế của Việt Nam. Do vậy, xuất khẩu chúng ta vẫn tăng hơn 20% so với năm 2020, dù có nhiều tháng bị giãn cách và đầu tư FDI cũng duy trì tương đương các năm trước. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và ADB vẫn dự báo kinh tế các nước tăng trưởng dương trong năm 2021 và 2022 vào khoảng 5-5,9% sẽ giúp cho xuất khẩu và FDI tiếp tục tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm, động lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, đô thị hóa...

Cái khó lớn nhất hiện nay của chúng ta thuộc về kinh tế nội địa với sức mua đang giảm mạnh; trong 10 tháng đầu năm, ngành thương mại dịch vụ giảm 8,6% là mức giảm cao nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, cái khó là có nguyên nhân chủ yếu từ việc Chính phủ và các địa phương chủ động giãn cách để phòng, chống dịch. Sau khi các quy định giãn cách dần dần dở bỏ thì hoạt động kinh tế nội địa từng bước được phục hồi.

Tóm lại, những khó khăn của chúng ta hiện nay mang tính nội tại, nền kinh tế sẽ được phục hồi trong khoảng từ 3-6 tháng tới theo tiến độ tiêm vaccine và xử lý dịch. Trong khi đó, chúng ta có nhiều cơ hội phát triển kinh tế từ tiến trình hội nhập và hoàn thiện kinh tế thị trường.

Từ nhận diện khó khăn và cơ hội cho thấy, gói hỗ trợ 800.00 tỷ đồng có thể không phù hợp, đặc biệt nếu nguồn vốn lớn đưa vào những DN đầu tàu, DN chủ lực hoặc ưu đãi tín dụng cho một số DN quan trọng sẽ làm méo cơ chế thị trường mà chúng ta đã dày công xây dựng. Góc độ khác, năm 2021 chúng ta vẫn đang gặp vấn đề về giải ngân đầu tư công do các dự án chuẩn bị chưa tốt, nếu gói kích cầu lớn này đưa ra sẽ xảy ra một trong hai tình trạng, hoặc là không thể giải ngân hiệu quả, hoặc là giải ngân không đúng mục tiêu và tạo ra lạm phát cao. Do vậy, thay vì là gói kích cầu quá lớn như vậy, Chính phủ nên dùng ngân sách để tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông và năng lượng để giúp chung cho toàn nền kinh tề.

Trong việc giúp DN đang gặp khó khăn, thì cách hiệu quả nhất vẫn là tạo ra lực cầu tiêu dùng từ người dân. Do vậy, cần nghiên cứu đưa các gói vay tiêu dùng với một lãi suất hỗ trợ từ 3-5% để người dân khắc phục khó khăn trong giai đoạn giảm việc làm và giảm lương. Như thế vừa tạo được sự kích cầu tiêu dùng, từ đó kích cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được  khó khăn cho người dân trong tình hình bị giảm lương và công việc cũng như thu nhập chưa ổn định sau dịch.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   NHNN   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   khủng hoảng   sản xuất   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...