19/11/2021 19:25  
Bà Dương Thị Bạch Diệp, người vừa bị tuyên án chung thân ở tuổi 73, từng là đại gia địa ốc đình đám bậc nhất Sài thành.

Chiều 19/11, sau 4 ngày xét xử và nghị án, toà tuyên bà Dương Thị Bạch Diệp (tức Diệp Bạch Dương) mức án chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.

Sinh năm 1948 tại Quy Nhơn (Bình Định), bà được biết đến là một trong những doanh nhân đời đầu của thị trường địa ốc khi bắt đầu buôn nhà đất từ năm 1984. Bà đi lên từ việc cải tạo những căn chung cư cũ ở khu trung tâm TP HCM và bán lại.

Từ đầu những năm 2000, bà bắt đầu kinh doanh chuyên nghiệp, là Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương và là giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nam Nam Phương.

Sau hơn 20 năm gia nhập thị trường, tại TP HCM, công ty của bà và các con đồng sở hữu hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng. Có thời điểm, người ta rỉ tai nhau người đàn bà này chỉ cần ngủ một giấc, sáng sớm thức dậy đã có trong tay hàng tỷ đồng. Giới kinh doanh bất động sản những năm 2000 còn nhận định bà Diệp là người sở hữu số lượng bất động sản có giá trị nhất ở TP HCM.

Trong giai đoạn này, người ta nhớ đến tên tuổi bà Diệp nhiều nhất là việc mua chiếc ôtô Rolls-Royce biển số tứ quý 7 cuối tháng 1/2008. Chiếc siêu xe Rolls Royce được đặt hàng chính hãng, về nước chịu thuế nhập khẩu 80%. Ước tính bà Diệp phải chi khoảng 1,3 triệu USD để xế hộp trên lăn bánh.

Thế nhưng sang thập niên 2010, Công ty Diệp Bạch Dương mà bà nắm 57,54% vốn bắt đầu vướng nhiều lùm xùm. Thị trường dồn dập xuất hiện hàng loạt thông tin công ty phá sản, nợ ngân hàng và nợ thuế chồng chất.

Theo nguồn tin của VnExpress, tình hình kinh doanh của Công ty Diệp Bạch Dương biến động mạnh trong giai đoạn này. Năm 2016, doanh thu của công ty vào khoảng 14 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 10 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng lên đến hơn 70% - mức hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chỉ trong vòng một năm sau, hai chỉ số trên tăng đột biến hàng chục lần, đạt hơn 760 tỷ đồng doanh thu và hơn 340 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên kể từ đó, kết quả kinh doanh của Công ty Diệp Bạch Dương sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều quay đầu về mức tiệm cận kết quả năm 2016. Đặc biệt sau khi bà Diệp bị bắt, tình hình kinh doanh của công ty đóng băng hoàn toàn trong hai năm 2019-2020.

Theo đà sụt giảm của kết quả kinh doanh, tổng tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương gần như giảm liên tiếp. Năm ngoái, tổng tài sản còn ở mức hơn 2.600 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng sau 5 năm. Vốn chủ sở hữu có cải thiện qua từng năm nhưng vẫn đang âm gần 500 tỷ đồng, tính đến năm 2020.

Trong khi đó, Công ty Nam Nam Phương của bà liên tiếp 5 năm không ghi nhận doanh thu. Mỗi năm công ty này lỗ ròng từ 3-193 triệu đồng.

Không những kinh doanh sa sút, uy tín bà Diệp còn suy giảm nghiêm trọng khi hàng loạt thông tin nợ nần được cơ quan chức năng công bố. Tháng 7/2014, Kiểm toán Nhà nước công bố đến hết năm 2012, Công ty Diệp Bạch Dương nợ Agribank chi nhánh TP HCM tới 3.700 tỷ đồng. Đích thân đứng ra cải chính và khiếu nại, bà Diệp trả lời VnExpress vào thời gian đó rằng, tổng tài sản trên giấy tờ của bà ước gần 10.000 tỷ đồng và bà còn nắm giữ 6 dự án lớn tại quận 1, quận 3.

Tuy nhiên, những động thái sau đó của bà Diệp khiến dư luận cho rằng, lời cải chính của bà chỉ là "chữa cháy". Tháng 3/2016, dự án đình đám một thời - khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique được rao bán với giá khoảng 900 tỷ đồng. Khoảng một năm sau, Công ty Hồng Phúc Quang mua lại.

Đỉnh điểm, chính tay bà Diệp tự để lộ những khoản nợ "khủng" khi gửi đơn đề nghị trả nợ gốc và miễn toàn bộ lãi vay đối với khoản vay tại Agribank. Tháng 10/2008, nhà băng này cho bà Diệp vay 14.000 lượng vàng SJC để mua nhà số 57 Cao Thắng, quận 3 (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM). Hạn trả nợ vào cuối tháng 10/2009. Xét đơn thấy bà mất khả năng trả nợ đúng hạn nên Agribank đồng ý gia hạn đến cuối tháng 10/2010. Dù vậy, phải ba tháng sau thời hạn đó, Diệp Bạch Dương mới trả xong.

Trong tháng 12/2008 và tháng 1/2009, Agribank tiếp tục cho Công ty Diệp Bạch Dương vay 67.000 lượng vàng SJC. Doanh nghiệp này một lần nữa không trả nợ đúng hạn, kể cả sau khi được cơ cấu lại thời hạn. Theo cáo trạng hồi tháng 10/2020, dư nợ của công ty bà Diệp tại Agribank vào khoảng 5.244 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn bộ tài sản thế chấp chỉ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng, cơ quan chức năng kết luận bà Diệp không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, Công ty Diệp Bạch Dương còn sa lầy với khoản nợ tại Sacombank còn dư nợ hơn 222 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 5/2018. Cả hai khoản nợ xấu kể trên đều đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC.

Tin đồn lùm xùm về thuế những năm trước cũng được xác nhận sau khi bà Dương Thị Bạch Diệp bị bắt tạm giam cuối tháng 1/2019 vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra cáo buộc bà giữ vai trò chủ mưu trong vụ hoán đổi nhà số 57 Cao Thắng - vốn đã thế chấp với ngân hàng để đổi lấy trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM - số 185 Hai Bà Trưng (quận 3). Sự vụ gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, Cục thuế TP HCM công khai danh sách thông tin các doanh nghiệp nợ tiền thuế kỳ 2/2019. Trong đó, Công ty Diệp Bạch Dương đứng thứ 21 với số nợ gần 36,7 tỷ đồng.

Nhưng đó không phải lần đầu. Trong đợt tháng 10/2018, doanh nghiệp này bị chỉ ra nợ 35,5 tỷ đồng thuế. Cũng trong năm đó, công ty của bà Diệp bị nêu tên nợ thuế 33,9 tỷ đồng tính đến cuối tháng 5/2018.

Tất Đạt

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   MC   SJC   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...