11/11/2021 8:25  
Hà NộiTheo nguyên quyền tổng thư ký VFF, dù khát điểm, Việt Nam vẫn cần kiên nhẫn phòng ngự trước khi tính chuyện ghi bàn trước Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022.

- Sau bốn trận đã đấu, Nhật Bản bất ngờ thua Oman rồi Saudi Arabia. Ông giá thế nào về đối thủ lần này?

- Sau những gì diễn ra, có thể thấy lối đá của Nhật Bản thiếu đột biến, thậm chí khá đơn điệu. Họ đá như ru ngủ đối phương. Tôi nghĩ lý do chính là họ không được tập trung nhiều với nhau. Các cầu thủ thi đấu ở nhiều giải trên thế giới và được sử dụng với mức độ khác nhau tại CLB, dẫn tới phong độ không đồng nhất. Đó là khó khăn lớn nhất, khiến Nhật Bản khó bùng nổ.

Tuy nhiên, họ là đội bóng có kỷ luật. Kết quả không tốt ở ba trận đầu tiên đã chạm vào lòng tự ái của họ. Vì thế, họ đã quyết tâm hơn, chơi đến cùng ở trận Australia. Chiến thắng đó giúp tinh thần Nhật Bản lên cao, khiến họ càng nguy hiểm hơn ở những trận sau. Ngoài ra, qua bốn trận thi đấu cùng nhau, các cầu thủ Nhật Bản đã hiểu nhau hơn. Ban huấn luyện cũng tìm ra những công thức phù hợp hơn về mặt chiến thuật.

- Liệu Nhật Bản có tận dụng sức mạnh vượt trội của các cá nhân để dồn ép Việt Nam từ những phút đầu?

- Điều đó phụ thuộc vào phong độ của các cầu thủ. Nếu chơi tấn công phủ đầu, liệu Nhật Bản có đủ sức duy trì trong 90 phút với cường độ cao? Trong khi đó, Việt Nam đã chứng minh khả năng phòng ngự không hề kém. Để xuyên phá hàng thủ nhiều lớp do HLV Park Hang-seo xây dựng không dễ. Tôi nghĩ, Nhật Bản sẽ tính toán và lựa chọn những thời điểm thích hợp để bung sức chứ không ồ ạt tấn công.

Sức mạnh của Nhật Bản nằm ở khả năng trừng phạt sai lầm của đối thủ. Có thể thấy ở trận gặp Australia, chỉ cần hai khoảnh khắc đối phương mất tập trung, họ đã ghi hai bàn. Chất lượng cầu thủ cùng sự quyết tâm ở mọi vị trí cho phép Nhật Bản làm điều đó. Những trận đã qua, Việt Nam mắc khá nhiều sai lầm cá nhân, đặc biệt ở hàng thủ. Đó là điều cần tránh trước một đối thủ như Nhật Bản bởi họ nguy hiểm nhất ở khả năng chớp thời cơ.

- Hàng công Nhật Bản đang bị chỉ trích sau khi chỉ ghi được ba bàn trong bốn trận - còn ít hơn cả Việt Nam (bốn bàn). Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Đó là do các tiền đạo của Nhật Bản không đạt phong độ tốt. Nhiều người thi đấu ở nước ngoài nhưng không được vào sân thường xuyên, như Takumi Minamino ở Liverpoool chẳng hạn. Ở đội tuyển, họ cũng phải thích nghi với vị trí khác, cố gắng nhận bóng từ những đồng đội khác. Tuy nhiên, sức mạnh của Nhật Bản đến từ tập thể. Một vài cá nhân có thể xuống phong độ nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ đóng góp cho lối chơi chung.

- Thế còn hàng thủ Nhật Bản, liệu Việt Nam có thể xuyên phá qua hai trung vệ đang thi đấu ở châu Âu - Maya Yoshida và Takehiro Tomiyasu?

- Nhật Bản mới lọt lưới ba bàn. Trong đó, một bàn thua đến từ quả phạt cố định trước Australia. Trước Saudi Arabia, họ thủng lưới bởi đường chuyền về không tốt của một tiền vệ. Tôi nghĩ, Việt Nam cần tính toán thời điểm phản công hợp lý nếu muốn xuyên thủng hàng thủ chắc chắn của Nhật Bản.

Oman từng làm được điều đó khi họ dâng lên ở những phút cuối và ghi bàn quyết định. Vấn đề là cầu thủ Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để chịu đựng trong thời gian dài, kiên nhẫn chờ thời cơ, tránh mắc bẫy đối thủ. Nhật Bản chắc chắn sẽ nhập cuộc với quyết tâm cao nhưng nếu có thể đứng vững, Việt Nam sẽ làm giảm hưng phấn của đối thủ và lâu dài, sẽ có lợi thế hơn về tâm lý. Khi đối thủ nôn nóng, Việt Nam có thể tận dụng tốc độ và sự khéo léo của các tiền đạo để phản công. Cơ hội để Việt Nam ghi bàn không phải là không có.

Đây không phải lần đầu Việt Nam gặp Nhật Bản, hoặc các đội bóng có trình độ như Nhật Bản. Chúng ta từng khiến các đội bóng lớn vất vả khi muốn ghi bàn. Vì vậy, các cầu thủ cần hiểu họ hoàn toàn có thể làm được. Nếu đá đúng khả năng và chọn lối chơi hợp lý, Việt Nam vẫn có cơ hội. Hy vọng, HLV Park sẽ truyền sự tự tin và chuẩn bị tâm lý tốt cho các cầu thủ.

- Theo ông, HLV Park nên lựa chọn Văn Đức hay Công Phượng đá chính, và đâu là thời điểm hợp lý để Việt Nam tung vào những quân bài chiến lược trên hàng công?

- Trong bốn trận đã đấu, có những lúc Việt Nam đã nghĩ đến chiến thắng. Khi ấy, chúng ta dâng cao để tìm bàn thắng nhưng thiếu sự bọc lót phía sau. Cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng để đấu tay đôi với các đối thủ ở vòng đấu này do thua kém về thể hình. Bài học ở trận thua Trung Quốc vẫn còn đó. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chủ động phòng ngự một cách thận trọng, có thể thấy mọi đội bóng đều bế tắc.

Vấn đề là cầu thủ Việt Nam chưa đủ khả năng để thi đấu ở cường độ cao trong tấn công lẫn phòng ngự. Chúng ta chỉ có thể làm tốt một mặt ở một thời điểm. Vì thế, lựa chọn lối chơi thế nào theo diễn biến trận đấu là điều quan trọng. Hiện, vấn đề sử dụng Văn Đức hay Công Phượng vẫn gây ra tranh cãi. Đây hầu như là vị trí duy nhất khiến HLV Park phải cân nhắc.

Theo tôi, Việt Nam vẫn cần ưu tiên phòng ngự nên Văn Đức sẽ là lựa chọn hợp lý. Hai cánh của chúng ta thiếu chắc chắn hơn khi không có Văn Hậu và Trọng Hoàng. Vì thế, đội cần sự hỗ trợ của các tiền đạo. Công Phượng có thể được tung vào ở hiệp hai, khi Việt Nam đã ổn định thế trận. Nếu tấn công sớm, chúng ta có thể đối mặt nguy cơ bị vỡ trận.

Vĩnh San

Nguồn tin: vnexpress.net


Bài học   HLV   Hà Nội   Nhật Bản   Trung Quốc   VFF   Việt Nam   World Cup   chiến lược  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...