30/06/2021 12:45  

TOContent"> Tại hội thảo trực tuyến “Nhà đầu tư ASEAN: Cơ hội tiếp theo ở đâu?” tại hội nghị “ASEAN: Vượt qua đại địch” do Maybank Kim Eng và ASEAN Exchanges đồng tổ chức ngày 24-6 vừa qua, những người đứng đầu của bốn sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất trong khu vực cho biết thị trường đầu tư ASEAN đang đứng trước cơ hội và xu hướng mới.

Không chỉ có Việt Nam, thị trường chứng khoán nhiều nước Đông Nam Á cũng sôi động hơn trong đại dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp. Tại Philippines, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường tăng từ 26,9% lên 43,3% trong quý đầu tiên của năm nay.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư dài hạn thay vì mua cổ phiếu đầu cơ. PSE đang thúc đẩy các hoạt động giáo dục nhà đầu tư để đảm bảo rằng các nhà đầu tư được bảo vệ đầy đủ”, ông Ramon S. Monzon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Sở giao dịch chứng khoán Philippines (PSE) chia sẻ thêm.

Chưa hết, theo số liệu từ đại diện Sở Giao dịch Malaysia, trong năm ngoái có 65% tài khoản mới được mở là từ nhóm Millennials (nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z) trong độ tuổi từ 25 đến 40. Nhóm  Millennials và Gen-Z đang thể hiện mối quan tâm lớn hơn về tính bền vững và những kỳ vọng thay đổi về vai trò của doanh nghiệp trong việc cải thiện xã hội và bảo vệ môi trường.

Do đó, bên cạnh việc mở rộng quy mô, các nhà lãnh đạo cũng cho biết lĩnh vực chứng khoán cũng đối mặt với sự đổi mới với tốc độ nhanh chóng. “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự thay đổi nhanh chóng, nơi mà tốc độ đổi mới và tiến hóa trên toàn cầu sẽ là chưa từng có”, bà Ami Moris, Giám đốc điều hành, Tập đoàn Maybank Kim Eng cho biết.

Một xu hướng mới đáng chú ý cũng được đại diện các sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á ghi nhận, đó là sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ và các loại tài sản mới như tiền điện tử và STO (token chứng khoán – một hình thức khá mới hiện nay để gây quỹ của các startup).

“Từ góc độ nhà đầu tư, đó là câu chuyện về tăng trưởng và cổ tức. Mặc dù tiền điện tử không đạt được điều đó, nhưng tài sản mã hóa có thể”, Datuk Muhamad Umar Swift, Giám đốc điều hành, Bursa Malaysia Berhad đánh giá. Theo người đứng đầu sàn chứng khoán Malaysia, nhiệm vụ của sàn giao dịch là giúp mọi người huy động vốn để đầu tư vào doanh nghiệp của họ và tạo việc làm, lợi nhuận, thuế.

Ngược lại, Michael Syn, Giám đốc Điều hành cấp cao kiêm Giám đốc cổ phần, Sở giao dịch Singapore (SGX) cho rằng điều khó khăn với các nhà quản lý và cung cấp cơ sở hạ tầng chính là sự phân biệt lằn ranh đôi khi không rõ ràng giữa việc quản lý tài sản và đánh bạc.

Những người đứng đầu các sàn giao dịch nhất trí rằng các thị trường của ASEAN tuy chưa đồng nhất, nhưng tạo ra cơ hội đáng kể để họ tận dụng công nghệ để hạ giá thành, nâng cao hiệu quả và phát triển các sản phẩm mới hấp dẫn.

Theo Michael, Sở giao dịch Singapore, thế hệ tiếp theo của sàn giao dịch sẽ là câu chuyện phần mềm, thậm chí một kịch bản hình dung được là có thể cung cấp trên đám mây điện toán và dễ dàng nhân rộng hơn. “Khi điều đó xảy ra, chuỗi cung ứng tài chính của chúng ta sẽ được tích hợp tốt hơn nhiều. ASEAN sẽ trở thành một khu vực có thể đầu tư”, ông Michale nói.

Tầm nhìn về một thị trường tài chính chung ASEAN cũng được các lãnh đạo khác chia sẻ. “Đó là về việc tăng kích thước và quy mô. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội với quy mô dân số ASEAN, dù đó không phải là một thị trường đồng nhất”, ông Datuk Muhamad Umar, Sở giao dịch Malaysia đánh giá.

Việc huy động vốn từ quốc gia này cho thị trường quốc gia khác vẫn đang diễn ra. Chẳng hạn như một quỹ ETF của thị trường Việt Nam đã được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan.

Theo TS. Pakorn Peetathawatchai, Chủ tịch, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, có gần 30% giá trị giao dịch tại Việt Nam là đến từ Thái Lan. “Trước tiên chúng tôi có thể tập trung về cách kết nối với các thị trường, sau đó chào bán như một loại tài sản trong khu vực”, vị này chia sẻ.

Hội nghị thảo luận về chủ đề chứng khoán nằm trong chuỗi sự kiện Invest ASEAN 2021, là hội nghị nhà đầu tư thường niên hàng đầu của Maybank Kim Eng với nhiều phiên thảo luận khác nhau, thu hút hơn 600 người tham gia bao gồm các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ cũng như các công ty, quỹ đầu cơ và hộ kinh doanh gia đình. Các chủ đề khác bao gồm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và tác động của nó đối với ASEAN, sự chuyển dịch của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sang xe điện, kỳ vọng vào các nội các chính phủ mới và đầu tư ESG.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Swift   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...