09/07/2022 15:15  
Đây là những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành xây dựng, giúp ngành xây dựng thành công trong xuất khẩu, theo ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. 

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập và chuẩn bị Đại hội IX nhiệm kỳ 2022- 2027 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chiều 5/7/2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt Đoàn đại biểu đại diện cho trên 10.000 hội viên, tập thể, cá nhân của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, trình bày trước Chủ tịch nước, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu một loạt các vấn đề đáng quan tâm của ngành như chất lượng công trình, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng, nghiên cứu phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường... Trong đó đáng chú ý là những ý kiến phát biểu của KTS Lê Viết Hải - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM (SACA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. 

KTS Lê Viết Hải cho rằng trong thời kỳ đổi mới ngành xây dựng có bước tiến phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ, tốc độ đổi mới có thể khẳng định cao nhất thế giới. Về kỹ thuật chúng ta đã đi từ rất lạc hậu đến nay đã làm chủ công nghệ xây dựng hàng đầu thế giới. 

Về vật liệu xây dựng, nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới. Về giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trên thế giới. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới.

Thêm một lợi thế hết sức quan trọng nữa, theo KTS Hải, là hiện nay số lượng kỹ sư xây dựng Việt Nam rất dồi dào. Ở các nước phát triển giới trẻ hầu hết không thích làm việc trong ngành xây dựng và bình quân của thế giới chỉ có 3.000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân, con số này của Việt Nam là 9.000, gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Đây là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không biết khai thác nó thì sẽ là gánh nặng trong tương lai khi nhu cầu xây dựng mới đạt mức bảo hoà.

Để thành công trong việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, ông Lê Viết Hải cho rằng cần chuẩn bị rất nhiều thứ, và mất khá nhiều thời gian. Vì vậy cần phải làm càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ cơ hội. 

KTS Lê Viết Hải đề xuất cần xây dựng một chiến lược quốc gia trong đó xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức, đâu là những nhiệm vụ quan trọng và có giải pháp để thực thi những nhiệm vụ quan trọng đó nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành xây dựng, giúp ngành xây dựng thành công trong xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược cụ thể, gồm:

Thứ  nhất: Chính phủ hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu để doanh nghiệp xây dựng có thể đến đúng nơi phù hợp nhất. Cần phải xác định đâu là những thị trường tiềm năng, có điều kiện thuận lợi để chúng ta khai thác hiệu quả nhất. Hiện nay, theo nghiên cứu riêng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ở các nước phát triển, giá thành xây dựng đang gấp 3 đến 8 lần so với Việt Nam. Một m2 xây dựng thông thường ở nước ta dưới 500 USD trong khi các nước là từ 1.500 USD đến 4000 USD/m2. 

Thứ hai: Trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương, Chính phủ cần quan tâm về các điều khoản liên quan đến xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng thầu chứ không phải chỉ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản…

Thứ ba: Cải cách thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp xây dựng phát triển tốt hơn, đặc biệt là thủ tục đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp xây dựng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành xây dựng từ lao động trực tiếp đến gián tiếp. Nguồn nhân lực hiện nay tuy có dồi dào hơn các nước khác nhưng vẫn thiếu nhân lực trình độ cao đạt chuẩn quốc tế đặc biệt là lao động trực tiếp (công nhân).

Thứ năm: Chính phủ hỗ trợ trong việc thiết lập hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện hơn trong ngành xây dựng Việt Nam nhằm kết nối các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cùng các ngành liên quan để tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ sáu: Tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp xây dựng trong nước làm tổng thầu các dự án đầu tư quy mô lớn của Nhà nước.

Thứ bảy: Có phương thức quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Uy tín thương hiệu quốc gia cao sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khi ngành xây dựng phát triển ra thị trường nước ngoài.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   HCM   Hiệp hội   TPHCM   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...