04/11/2021 15:40  
Kết thúc quý III năm 2021, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn duy trì ổn định và có mức tăng trưởng tốt. “Chìa khóa” để ngân hàng này hòa nhịp thành công khi “sống chung với Covid-19” là triển khai linh hoạt các phương án kinh doanh.
Báo cáo tài chính quý III/2021 của SCB cho thấy, ngân hàng đạt mức lợi nhuận trước thuế ổn định với 235 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng SCB lãi trước thuế 690,5 tỷ đồng. Các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán đạt kết quả ấn tượng với thu nhập hoạt động lũy kế đạt 3.684 tỷ đồng. Doanh số kinh doanh bảo hiểm 9 tháng đầu năm của SCB đạt hơn 900 tỷ đồng, duy trì vị trí dẫn đầu thị trường.
Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của SCB đạt 672.312 tỷ đồng, duy trì vị thế Top 5 trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam, và là ngân hàng TMCP tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của SCB đạt 606.401 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 352.913 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh, chất lượng tín dụng của Ngân hàng vẫn được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn lần lượt đạt 1,04% và 1,71%, đảm bảo duy trì dưới 3% theo quy định của NHNN.
Để duy trì đà tăng trưởng này, SCB đã triển khai nhiều phương án kinh doanh linh hoạt. Theo đó, giai đoạn giãn cách, SCB đã kịp thời điều chỉnh phù hợp để đảm bảo vận hành thông suốt trên toàn hệ thống, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và đối tác. Các hình thức giao dịch online được đẩy mạnh thực hiện thông qua các dịch vụ như: Mobile banking, Internet banking, Thanh toán hóa đơn tự động, Thanh toán dư nợ thẻ online, Tiết kiệm online,… Ngoài ra, Ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ gửi tiền, kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế qua email nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật, xác thực, tốc độ giao dịch nhanh chóng.
Trước những rủi ro và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, việc tập trung phát triển hoạt động phi tín dụng là mục tiêu quan trọng nhằm đa dạng hóa nguồn thu cho Ngân hàng.
Ngoài ra, SCB cũng đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng vượt qua đại dịch. Quý III năm 2021, SCB tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi vay, miễn giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh: các gói cho vay mới được triển khai dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm - 6,99%/năm; giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu; giảm 50% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên Internet Banking và giảm 10% phí thanh toán quốc tế…
Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nhân viên như tiêm phòng vaccine, test nhanh định kỳ, khử khuẩn cơ sở hạ tầng, SCB còn thường xuyên quan tâm tình trạng sức khỏe, động viên thăm hỏi những cán bộ nhân viên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ túi an sinh cho CBNV F0.
Từ đầu năm đến nay, SCB đã ủng hộ 50 tỷ đồng vào quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ, trao tặng Bộ Y tế 20 xe xét nghiệm Covid-19 lưu động, trao tặng TP Hải Phòng 5 xe tiêm chủng cơ động và ủng hộ lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế cho nhiều địa phương trên cả nước.
Mở đầu cho giai đoạn “bình thường mới”, ngày 6/10/2021, SCB đã chính thức kick-off dự án Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn - ICAAP với sự tư vấn của Công ty PwC Việt Nam. Đây là dự án mang tính chiến lược nhằm giúp SCB quản trị tài chính tối ưu thông qua việc đảm bảo hài hòa giữa ba yếu tố lợi nhuận, rủi ro và quản lý vốn theo thông lệ quốc tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kinh doanh phù hợp, sẵn sàng bắt nhịp với trạng thái “bình thường mới” nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng, đối tác nhưng vẫn hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra”- lãnh đạo SCB nhấn mạnh.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   MC   NHNN   Ngân hàng   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...